Tài liệu kỹ thuật
 


Cáp là một thành phần cơ bản trong hệ thống camera giám sát, nhưng lại thường bị bỏ qua trong bất kỳ dự án nào. Thật vậy, việc dự toán chi phí cáp chính xác có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với chi phí camera. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích cách thức dự toán chi phí cáp và xem xét những vấn đề khác nhau trong việc khảo sát đường đi cáp. Bài viết này nhằm mục tiêu cung cấp các kiến thức ở mức độ nhập môn, chỉ tập trung vào các vấn đề cơ bản nhất của việc đi cáp.
Với những người đang tìm kiếm những kiến thức chuyên sâu về thiết kế đường cáp, chúng tôi khuyên bạn nên tìm hiểu BICSI’s TDMM (và chương trình cấp chứng chỉ RCDD). Trong lĩnh vực cáp công nghiệp, BICSI là đơn vị duy nhất cung cấp các tiêu chuẩn và chứng nhận.
Phương pháp dự toán
Để bắt đầu, phải chọn một phương pháp dự toán. Các phương pháp phổ biến như: dự toán diện tích, dự toán đơn vị và dự toán chi tiết. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào phương pháp dự toán chi tiết.
Các thông tin về chi phí
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích cách thức sử dụng chi phí lao động và các chi phí vật tư để lập dự toán một dự án lớn.
Đường chạy cáp
Rõ ràng, một yếu tố cơ bản trong việc lập dự toán cáp là chiều dài đường cáp. Có một số yếu tố ảnh hưởng đến chiều dài đường cáp ngoài yếu tố khoảng cách giữa các điểm. Chúng ta sẽ xem xét các yếu tố này và hướng dẫn làm thế nào để dự toán chiều dài đường cáp.
Loại cáp
Ngay cả khi sử dụng cáp UTP, loại cáp phổ biến nhất cho camera IP, thì cũng có một số tùy chọn như Cat5e hay Cat6, chống cháy hay không chống cháy. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách dự toán chi phí với các tùy chọn này.
Các vấn đề nâng cao
Đi cáp có thể không đơn giản và bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như tường nhà, độ cao của trần, vấn đề an toàn và các quy định khác của chủ đầu tư. Bất cứ vấn đề nào cũng có thể biến công việc bình thường thành một dự án quan trọng.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn từng vấn đề sau.

Phương pháp lập dự toán
Trước tiên, hãy phân biệt các phương pháp dự toán. Có ba phương pháp lập dự toán được sử dụng trong ngành công nghiệp xây dựng:

  • Phương pháp diện tích – Phương pháp kém chính xác nhất
  • Phương pháp đơn vị – hữu ích đối với những mặt bằng hiện trường “tiêu chuẩn” và người dùng có kinh nghiệm lập dự toán.
  • Phương pháp chi tiết – Phương pháp chính xác nhất nhưng tốn nhiều thời gian nhất.

Phương pháp diện tích: Đây là kiểu dự toán bằng cách tính tổng diện tích của một cơ sở, rồi nhân với một số tiền cụ thể trên mỗi mét vuông để cho ra tổng dự toán. Rõ ràng, phương pháp này sẽ bỏ qua rất nhiều yếu tố và thường chỉ được sử dụng để lập dự toán thô. Với các loại hệ thống bảo mật khác nhau, rất khó để lập dự toán theo phương pháp diện tích, và chúng tôi khuyên bạn không nên sử dụng phương pháp này.
Phương pháp đơn vị: Đây là phương pháp dự toán trung gian giữa phương pháp diện tích và phương pháp chi tiết. Phương pháp này sử dụng chi phí lao động và chi phí nguyên vật liệu cho mỗi thiết bị nhân với số lượng thiết bị cần thiết. Ví dụ nếu một camera IP có giá $1,000 và mất 4 giờ để lắp đặt/cài đặt, thì 32 camera sẽ có giá $32,000 và mất 128 giờ để lắp đặt/cài đặt. Phương pháp này cho kết quả chính xác hơn so với phương pháp diện tích, tuy nhiên vẫn bỏ qua một số vấn đề riêng của từng dự án.Các yếu tố thường rất khác nhau giữa các dự án, ví dụ một camera trong nhà gắn trên trần thả sẽ phải cần các nguyên vật liệu và thời gian lắp đặt khác so với một camera gắn trên trần bê-tông. Phương pháp này thường chỉ được sử dụng trong điều kiện mặt bằng hiện trường là “tiêu chuẩn”, vì nó cho phép sử dụng số lượng các thiết bị nhân lên với chi phí cho mỗi thiết bị, mà không cần thực hiện thêm nhiều công việc khác. Ví dụ, gần đây chúng tôi đã hỏi các thành viên ước tính đơn giá để kéo cáp Cat5e không chống cháy. Với hơn 25 câu trả lời, sự đồng thuận là $125 – $175. Tuy nhiên các thành viên cũng bày tỏ lo ngại chính đáng về độ chính xác của phương pháp trên, vì thế mà chúng tôi sẽ trình bày phương pháp dự toán chi tiết ở dưới đây.
Phương pháp chi tiết: Phương pháp dự toán chính xác nhất, có tính đến điều kiện chính xác cho từng thiết bị riêng lẻ. Trong phương pháp này, tất cả các camera và các thiết bị khác đều được tính đến, chiều dài cáp được đo chính xác, và tất cả các yếu tố này được xem xét riêng rẽ. Mỗi thành phần trong dự án có yêu cầu thời gian, chi phí lao động riêng. Phương pháp này được ưa chuộng trong hầu hết các trường hợp, vì nó mang đến một dự toán chi phí chính xác nhất.
Cả ba phương pháp này có thể được sử dụng vào những thời điểm phù hợp nhất định. Chúng tôi khuyên những người dùng ít kinh nghiệm ước lượng sử dụng phương pháp chi tiết, phương pháp mà chúng tôi thảo luận trong bài viết này. Khi bạn đã có kinh nghiệm xây dựng dự toán, lúc này có thể sử dụng phương pháp đơn vị để tăng tốc quá trình này.
Thông tin về chi phí
Những dữ liệu chính xác nhất để căn cứ lập dự toán chính là những dự án đã thực hiện, nhưng đối với những người lập dự toán chưa có kinh nghiệm hoặc những người phải thực hiện công việc lập dự toán mà họ chưa từng làm trước đây, cách tốt nhất là dựa vào các bảng định mức được công bố bởi các cơ quan, tổ chức có uy tín.
Khoảng cách chạy cáp
Việc dự toán chiều dài cáp đơn giản nhất là trong trường hợp cáp chạy trên một bề mặt. Đơn giản chỉ cần đo độ dài đường cáp, hoặc trên mặt bằng thực tế, hoặc trên mô hình thu nhỏ / bản vẽ. Tuy nhiên, khi lập dự toán, có ba yếu tố thường bị lãng quên cần xem xét:

  • Cáp không đơn giản chỉ chạy nằm ngang: Đường cáp không chỉ chạy trên một mặt phẳng. Cáp bắt đầu từ bộ chuyển mạch (switch) hoặc patch panel, đi lên, chạy sang ngang, rồi đi xuống đến vị trí thiết bị. Một số tiêu chuẩn còn quy định cáp phải được để trùng ở hai đầu. Nếu bỏ qua những yếu tố này, chiều dài cáp dự toán sẽ ngắn hơn thực tế thi công, làm phát sinh chi phí không mong muốn.
  • Cáp không phải được kéo theo đường chim bay: Trong hầu hết các trường hợp, đường cáp được đo đạc, tính toán và thường có các khúc cua 90˚. Ví dụ một nhà xưởng hình vuông, đầu ghi hình được đặt ở một góc còn camera được lắp ở góc đối điện, khi đó cáp không thể chạy theo đường chéo mà phải chạy dọc theo tường và có một góc cua 90˚. Điều này được thực hiện để làm giảm số lượng các chướng ngại vật gặp phải, và cũng làm cho việc lắp đặt cáp được đơn giản hơn.
  • Kéo cáp thường không diễn ra cùng thời điểm: Khi lập dự toán cáp, dễ dàng tính toán tổng chiều dài tất cả đường cáp và sử dụng số liệu này nhân với chi phí trên đơn vị chiều dài cáp. Tuy nhiên, có nhiều đoạn cáp được chạy trên cùng một đường, và có thể kéo đồng thời, làm giảm thời gian lắp đặt. Vì thế, khi thiết kế nên tìm kiếm các nhóm cáp có thể được kéo cùng lúc. Việc tiết kiệm lao động khi kéo đồng thời nhiều cáp thường được áp dụng trong ngành công nghiệp dữ liệu. Tuy nhiên, trong hệ thống bảo mật, người dùng sẽ không thấy tiết kiệm đáng kể.

 

Mọi thắc mắc kỹ thuật, vui lòng liên hệ:


Phương Việt Group – Nhà phân phối chính thức HIKVISION tại Việt Nam

1. Trụ sở chính: 113 Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.
 contact@phuongvietgroup.com
ĐT: 024 320 88888

2. Chi nhánh TP.HCM: 2A Phan Văn Trị, Phường 10, Quận Gò Vấp, TP.HCM.
 viet.duong@phuongvietgroup.com
 Hotline: 0986 35 35 37 (Mr Việt)